Thông báo : Hạn nộp hồ sơ đăng ký học bổng 5/8/2024
Đăng ký ngay

La Trobe Blog

Bí quyết nâng trình kĩ năng nghe trong bài thi IELTS

Chương trình tiếng Anh ELICOS dự bị Đại họcKiến thức chuyên ngànhLưu trữ

Bí quyết nâng trình kĩ năng nghe trong bài thi IELTS

Kĩ năng nghe trong bài thi IELTS luôn khiến nhiều bạn gặp rắc rối bởi vô vàn lý do. Bài viết này sẽ tổng hợp những bí quyết giúp bạn tự tin khi nghe để rinh về cho mình chứng chỉ IELTS với một band điểm ưng ý.

BƯỚC 1: Tìm một nguồn phát âm tiếng Anh chuẩn (nói về chủ đề mà bạn thấy hứng thú) và phải có phụ đề (nhất thiết phải có). 

Ở mức độ cơ bản, khi mới bắt đầu tập nghe, bạn có thể nghe các chương trình của BBC Learning English với các video/ podcast ngắn (dưới 10 phút) được nói ở tốc độ vừa phải, rõ ràng rành mạch, cực kỳ dễ nghe.
Ngoài các kênh tin tức của BBC, CNN (CNN Student News, nay là CNN 10 là kênh MC nói khá rõ ràng và bài nào cũng có phụ đề đi kèm) thì youtube cũng là một nguồn hay ho để bạn tìm nguồn luyện tập với các channel như Buzzfeed, National Geographic, Discovery, TED (bao gồm TED-Ed – kênh giáo dục với các video hoạt họa thuyết minh về các chủ đề và TED Talk – các bài thuyết trình của các diễn giả). Bạn cũng có thể xem phim kèm phụ đề tiếng Anh, một trang web rất hay dành cho việc này là trang www.studyphim.vn.

Bạn cần nhớ là không được nghe kiểu “tắm ngôn ngữ”, nghe thụ động mà cần nghe chủ động, nghe cho rõ ràng từng chữ từng câu mới được nhé.

BƯỚC 2: Nghe và chép lại.

Mỗi ngày, bạn có thể dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng, nghe và chép chính tả (dictation). Chọn một bài nghe ngắn tại các trang như listenaminute.com , ello.org , ez-dictation.com , breakingnewsenglish.com , spotlightenglish.com … và nghe cùng với ghi lại tất cả những gì nghe được rồi đối chiếu với phụ đề. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn bạn nghĩ rất nhiều.

– Bạn nên chọn nguồn nói giọng Anh – Anh để nghe song song với nguồn giọng Anh – Mỹ. Điều này sẽ giúp bạn quen hơn với cách phát âm của người Anh và rút ngắn thời gian xử lý khi đi thi IELTS. Ví dụ, thay vì chỉ chăm chăm xem phim Hollywood, hãy thử các phim của Anh như series phim Harry Potter, Kingsman, Love Actually,…

– Bạn cũng nên nghe bằng tai nghe (headphone/ earphone) thay vì dùng loa, đài nhé. Chất lượng âm thanh khi nghe trực tiếp qua tai nghe sẽ tốt hơn rất nhiều, giúp bạn nghe dễ dàng và tập trung hơn.

BƯỚC 3: Tập đọc lại theo phụ đề và thu âm lại so sánh.

– Bạn hãy nghe thật kĩ phát thanh viên đọc, nhấn nhá, nối âm, lên xuống ở đâu và bắt chước giống hệt thế rồi đọc. Sau đó nghe lại phần thu âm giọng đọc của mình, xem chỗ nào chưa giống thì đọc lại. Sửa đến khi nghe lại thấy ưng ý thì thôi. Công việc này rất dễ khiến bạn nản chí nhưng đây là cách luyện phát âm cực kỳ hiệu quả.

– Việc luyện nghe và luyện phát âm song song sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng nghe của mình, bởi trên thực tế khả năng nghe của bạn không tốt không phải bởi bạn không nghe được gì, mà các âm bạn nghe được là những âm bạn chưa nghe bao giờ (không biết phát âm thế nào hoặc biết nhưng không đúng) nên không hiểu. Ví dụ, từ “history”, nếu bạn nghĩ cách đọc của nó là /ˈhɪstɔri/ thì bạn sẽ không nghe ra khi người ta đọc đúng phát âm là /ˈhɪstri/.

Nếu bạn kiên trì rèn luyện, thì La Trobe tin rằng chỉ cần 1 tháng thôi, bạn sẽ thấy bản thân mình tiến bộ đáng kể đấy. Chúc bạn thành công!