Chi phí logistics ở Việt Nam
16 Tháng sáu, 2021 2021-06-17 2:41Chi phí logistics ở Việt Nam
Đối với Việt Nam, theo Báo cáo cuối kỳ 2014 “Dịch vụ vận tải tư vấn hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải về phát triển vận tải đa phương thức” của Công ty tư vấn ALG của Ngân hàng Thế giới (WB) thì chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so đối với các nước phát triển.
Tỷ lệ % của chi phí logistics tương đương với GDP phụ thuộc vào tổng chi phí logistics và tổng GDP. Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi lớn. Hàng điện tử và linh kiện xuất khẩu tăng nhanh.
So sánh chi phí logistics cho 10 trong tổng số 12 ngành hàng được nghiên cứu theo báo cáo của ALG vào năm 2010 và cập nhật số liệu của năm 2018 có thể thấy, khi cơ cấu ngành thay đổi thì chi phí logistics cũng thay đổi theo. Cụ thể, chi phí logistics giảm từ 10,70% xuống còn 8,74% cho 10 ngành hàng. Điều này cho thấy chi phí logistics của Việt Nam so với GDP cũng có sự thay đổi đáng kể.
Dựa theo cách tính của ALG, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tính toán trên cơ sở cập nhật các dữ liệu theo khối lượng hàng hóa vận chuyển và khối lượng hàng hóa luân chuyển và công bố trong Sách Trắng VLA 2018 “Chi phí logistics tương đương với GDP của Việt Nam năm 2017 ở mức 14,5%-19,2%, ước tính chi phí logistics theo GDP là khoảng 16,8%, tương đương với giá trị khoảng 42 tỷ USD”.
Năm 2018, LPI của Việt Nam là 39/160, có bước tiến vượt bậc so với 2010 là 53, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Điều này cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đã được cải thiện nhiều.
Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP thể hiện trình độ phát triển và vai trò của logistics trong nền kinh tế. So sánh với các quốc gia khác như Trung Quốc có tỉ lệ này là 14,5%, các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Singapore là khoảng 7,5-8,5%.
Theo thông tin từ Niên giám thống kê Vận tải và Logistics 2018 của Ngân hàng thế giới và Bộ Giao thông vận tải, chi phí logistics quốc gia trên doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất đạt 8,96%, các doanh nghiệp bán buôn là 9,77%. Đông Bắc Bộ là vùng có chi phí logistics trên doanh thu lớn nhất ở mức 12,55% đối với doanh nghiệp sản xuất và 12,29% đối với doanh nghiệp bán buôn.
Có thể thấy bình quân cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, tỷ lệ chi phí vận chuyển và bốc xếp trong tổng chi phí logistics là 51,0%, chi phí kho bãi là 24,1% và chi phí hàng tồn kho chiếm 16,0% và chi phí quản lý logistics chiếm 8,9%.
Tính chung, tỷ lệ vận tải và xếp dỡ trong chi phí logistics của doanh nghiệp là 51%, so với con số nghiên cứu của ALG2014 chi phí vận tải trong tổng chi phí logistics là 59%, xếp dỡ là 21%, nếu điều chỉnh tính bổ sung chi phí quản lý trong logistics ở mức bình quân 7-8% thì hai chi phí này đã có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 74% xuống còn 51%.
Một so sánh nhanh là chi phí logistics trong doanh thu có mức bình quân 9,37%, trong khi đó chi phí bình quân của 10 ngành hàng theo báo cáo của ALG2014 là 10,7%. Căn cứ vào sự thay đổi này, có thể thấy hoạt động logistics đã trở nên hiệu quả hơn và ước tính chi phí logistics so với GDP trong 2018 là khoảng 18% (con số tương đồng với tính toán của VLA năm 2017- 2018 là ở mức 14,5%-19,2%).