Nguồn gốc logistics
17 Tháng Sáu, 2021 2021-06-17 10:40Nguồn gốc logistics
Nguồn gốc thuật ngữ logsitics
Logistics đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển của nhân loại, không còn là vấn đề xa lạ nhưng không phải ai cũng hiểu sâu sắc về vấn đề này. Logistics ngày nay được biết đến rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, đây được xem như là một phương thức kinh doanh mới đem lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp. Cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới, logistics ngày càng mở rộng và nâng cao, trở thành một ngành dịch vụ chiếm vai trò quan trọng không thể thiếu trong sự vận động của giao thương quốc tế. Tuy nhiên, nguồn gốc ra đời của logistics lại rất đặc biệt.
Ban đầu, logistics được hình thành không phải xuất phát từ cung ứng cho hoạt động thương mại mà là để phục vụ chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế La Mã và Hy Lạp, những binh lính mang chức danh Logistikas có nhiệm vụ cung ứng và phân phối vũ khí, nhu yếu phẩm cho quân đội và thuật ngữ logistics cũng có nguồn gốc xuất phát từ đây. Công việc “hậu cần” này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này gọi là quản lý logistics.
Theo từ điển Oxford, logistics có thể hiểu là một nhánh của ngành khoa học quân sự, liên quan đến các hoạt động như thu mua, bảo dưỡng và vận chuyển vật chất, nhân sự và phương tiện. Cách hiểu này được cho là bắt nguồn từ thuật ngữ “logistique” trong tiếng Pháp, là thuật ngữ được sử dụng trong tài liệu “Nghệ thuật chiến tranh” của Baron Henri – một tướng quân dưới trướng Napoleon.
Tiền đề để logistics được ứng dụng trong thương mại
Tưởng chừng logistics là công việc đơn giản nhưng lại có vai trò rất lớn trong quân sự, vì nếu có chút thiếu sót, chậm trễ thì phải đánh đổi bằng sự sinh tồn của quân đội nhưng đồng thời, nếu tận dụng và quản lý tốt hoạt động này thì sẽ mang lại lợi ích đáng kể. Napoleon đã từng định nghĩa “Logistics là hoạt động để duy trì lực lượng quân đội” và ông cũng đã từng nói “Kẻ nghiệp dư bàn về chiến thuật, người chuyên nghiệp bàn về logistics”.
Trong hai cuộc đại chiến thế giới vai trò của logistics ngày càng rõ nét khi quân đội hậu cần của quân đội Mỹ và đồng minh đã hoạt động hiệu quả hơn quân Đức, bằng sự ưu thế trong việc cung cấp quân nhu, đạn dược, vũ khí đúng thời điểm mà quân đồng minh đã chiếm ưu thế hơn trong trận chiến. Hiệu quả của hoạt động logistics là yếu tố có tác động rất lớn tới thành bại chiến trường. Cuộc đổ bộ thành công của quân đồng minh vào vùng Normandie tháng 6/1944 chính là nhờ sự nỗ lực của khâu chuẩn bị hậu cần và quy mô của phương tiện hậu cần được triển khai.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các chuyên gia logistics trong quân đội đã áp dụng các kỹ năng logistics của họ trong tái thiết kinh tế thời hậu chiến. Đây cũng là lúc hoạt động logistics trong thương mại được ứng dụng và triển khai. Trước những năm 1950, công việc của logistics chỉ đơn giản là một hoạt động chức năng đơn lẻ. Trong các lĩnh vực marketing và quản trị sản xuất đã có những chuyển biến rất lớn thì vẫn chưa hình thành một quan điểm khoa học về quản trị logistics một cách hiệu quả. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và quản lý cuối thế kỷ XX đã tạo ra cho logistics một bước phát triển mới, có thể gọi đó là giai đoạn phục hưng của logistics.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hai người đầu tiên ứng dụng thành công logistics là Quang Trung (Nguyễn Huệ) và đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã ứng dụng nguyên lý logistics dẫn đến thành công vang dội là cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh (1789) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch giải phóng miền nam thống nhất đất nước trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Sau những hiệu quả đạt được trong lĩnh vực quân sự, logistics đã được nghiên cứu mở rộng ứng dụng trên lĩnh vực kinh doanh trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất, mua bán hàng hóa. Logistics được dịch nôm na là “hậu cần” nhưng không phản ánh hết đầy đủ ý nghĩa vì thế nên ở Việt Nam vẫn sử dụng nguyên mẫu từ “logistics”. Nếu giữa thế kỷ XX rất hiếm doanh nghiệp hiểu được logistics là gì thì đến cuối thế kỷ này, logistics được ghi nhận như một chức năng kinh tế chủ yếu, một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp cả trong sản xuất và dịch vụ.