Những lầm tưởng về công việc trong ngành Logistics
14 Tháng Sáu, 2021 2021-06-17 2:40Những lầm tưởng về công việc trong ngành Logistics
Là một ngành hot trong thời gian gần đây với giới trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ đây thực sự là công việc gì, dành cho ai, lộ trình thế nào, … vì vậy sẽ có những lầm tưởng khiến cho bạn sẽ “lắc đầu” khi nhắc đến nghề này. Hãy theo dõi bài viết này để được gỡ rối những lầm tưởng này nhé!
#1: Logistics chỉ là những công việc vận chuyển hay hậu cần?
Trong một số tài liệu, Logistics được dịch là “hậu cần” nên nhiều người nghĩ rằng Logistics là làm hậu cần! Không phải đâu, Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics là một ngành sâu và rộng hơn nhiều. Tất nhiên vẫn có thể định nghĩa một cách đơn giản, rằng đây là dịch vụ vận chuyển hàng hóa một cách tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, được thể hiện bằng cả một quá trình phức tạp, gồm nhiều khâu như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng, … Nhờ hệ thống phân phối đa dạng, Logistics không chỉ hoạt động trong một thị trường, nhưng còn là giữa nhiều thị trường với nhau.
Logistics thực chất giữ vai trò rất quan trọng. Nếu thực hiện tốt logistics, doanh nghiệp sẽ cắt giảm được chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng tính cạnh tranh và đem về thêm nhiều lợi nhuận hơn. Thế nên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, thuộc mọi lĩnh vực, đều đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng và logistics để tối đa hóa lợi nhuận của mình.

#2. Logistics chỉ dành riêng cho con trai?
Hiểu lầm này có lẽ bắt nguồn từ hiểu lầm số 1, rằng Logistics là vận chuyển/hậu cần – toàn những ngành hay phải làm “việc nặng” nên chỉ phù hợp với con trai. Tất nhiên đây là quan điểm sai lầm, đây là công việc dành cho bạn nếu như bạn phù hợp và yêu thích nó, chứ không phần biệt giới tính:
Thứ nhất, bản chất của logistics là khá rộng. Thế nên, bạn có thể lựa chọn vị trí phù hợp với khả năng của mình, từ đó lựa chọn học chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, quản lý logistics, quản trị hệ thống phân phối, vận tải đa phương thức, cho đến tài chính – kế toán, marketing quốc tế, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự, … để phục vụ cho đa dạng các công việc trong ngành như: nhân viên thu mua, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên quản lý hàng hóa, nhân viên kinh doanh Logistics, nhân viên điều hành vận tải,…
Thứ hai, khi theo học logistics, bạn còn có cơ hội thường xuyên rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng tin học, kỹ năng lập kế hoạch và tính toán, kỹ năng quản lý và làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định và tự chịu trách nhiệm, kỹ năng tự học, … Đây đều là những kỹ năng bổ trợ mà bất kỳ ai cũng cần, đặc biệt là trong thời đại hội nhập hiện nay.

#3. Học Logistics xong khó kiếm việc?
Có thể bạn thấy hơi khó tin, nhưng logistics thực ra lại là một ngành cực kỳ khan hiếm nhân lực, và cũng vì vậy nên những người làm ngành này đều được trả lương khá cao, thậm chí là “hậu hĩnh”. Có thể khẳng định rằng các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ logistics. Phần lớn kiến thức mà những người làm logistics hiện nay có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên làm trong ngành dịch vụ này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics tại Việt Nam; trong đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 80%. Tất cả họ đều rất cần nhân lực được đào tạo, có chất lượng cao. Nhưng bạn có biết rằng: trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành logistics, chỉ bằng 10% nhu cầu nhân sự của thị trường! Vậy nên nếu bạn còn lo sợ ra trường sẽ thất nghiệp, hãy chọn học ngành Logistics và chuyện xin được việc làm sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Tuyệt hơn, bạn có thể thử sức mình ở rất nhiều lĩnh vực, từ quản trị du lịch khách sạn, ngân hàng, chuỗi bán lẻ đến thương mại điện tử, bất động sản, xuất nhập khẩu,…
Logistics là ngành có mức lương “khủng” hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên logictics có mức lương khởi điểm từ 6 – 7 triệu/tháng, trong khi đó các vị trí lãnh đạo cao cấp và quản Lý đang rất cần nguồn nhân sự để phát triển ngành. Cụ thể như mức lương cho vị trí Logistics Manager dao động từ 3.000 – 4.000 USD/tháng, vị trí giám đốc chuỗi cung ứng (Supply Chain Director) có mức lương từ 5.000 – 7.000 USD/tháng.
Đây là một thực tế rất đau đầu của các doanh nghiệp hiện nay, nguồn nhân lực lao động cơ bản tại Việt Nam không thiếu. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ 30% mỗi năm của ngành logistics hiện nay, các công ty cần phải nhanh chóng mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, không để bị tuột dốc và nhường lại thị phần cho các doanh nghiệp khác. Do đó việc tuyển dụng nhân viên ở cấp độ quản lý và giám đốc là vấn đề bắt buộc và sống còn của mỗi doanh nghiệp hiện nay.
Vì vậy, đây không phải ngành khó kiếm việc, mà là khó tuyển nhân sự chất lượng!

Bạn thấy đấy, logistics thật ra là một ngành học rất thú vị và cũng cực kỳ tiềm năng. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu đúng hơn về “ngành học xu hướng” này. Đồng thời cũng xin chúc bạn sẽ có lựa chọn phù hợp nhất cho con đường học vấn và sự nghiệp tương lai.