Thông báo : Hạn nộp hồ sơ đăng ký học bổng 5/8/2024
Đăng ký ngay

La Trobe Blog

DU HỌC SINH VIỆT MÙA CÔ VÍT

Sinh viên

DU HỌC SINH VIỆT MÙA CÔ VÍT

Du học sinh Việt lao đao vì COVID. Câu chuyện buồn của ngành “công nghiệp du học” năm 2020.

COVID-19 bùng nổ đã kéo theo một loạt các hệ lụy liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội. Giáo dục cũng không phải là một ngoại lệ khi hàng loạt các trường phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, lịch học bị xáo trộn, các kì thi phải thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung. Học tập trong nước với sự hỗ trợ từ chính phủ đã khó khăn như vậy rồi. Vậy các du học sinh Việt Nam tại nước ngoài phải làm sao?

Du học sinh Mỹ hoang mang trước nguy cơ bị trục xuất

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sinh viên sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu 100% các khóa học họ đăng ký vào kỳ học tới được tổ chức theo hình thức trực tuyến, hoặc bắt buộc phải chuyển sang các trường vẫn duy trì giảng dạy trực tiếp. 

Các sinh viên không tuân thủ thông cáo trên sẽ bị trục xuất khỏi quốc gia hơn 300 triệu dân này. 

Thông tin trên được đưa ra vào ngày 6/7, ngay sau khi các trường cao đẳng, đại học tại Mỹ công bố kế hoạch học tập cho kỳ học mùa thu năm nay. Sáng cùng ngày, đại học Harvard thông báo sẽ áp dụng giảng dạy trực tuyến cho cả năm học tới.

Tuy còn nhiều trường đại học khác ở Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nên chuyển sang dạy học trực tuyến 100% vào năm học tới để ngăn bùng phát dịch hay không, nhưng quyết định gần đây của Nhà Trắng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các du sinh viên tại đất nước này – nhóm sinh viên chỉ chiếm 5,5% tổng số sinh viên các trường ở Mỹ song lại mang về cho nền kinh tế nước này hơn 41 tỷ đô la mỗi năm.

Chuyển trường đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Chưa kể, số lượng các trường đại học có đủ khả năng giảng dạy trực tiếp trong bối cảnh này là rất hạn chế. Còn các sinh viên bị buộc về nước sẽ phải đối mặt với các khó khăn nhất định khi học trực tuyến, chẳng hạn như chênh lệch múi giờ.

Cho đến nay, trước quy định mới của Chính phủ, các trường cao đẳng đại học tại Mỹ vẫn im hơi lặng tiếng.

Gần 30 nghìn sinh viên Việt Nam trong số hơn một triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ vẫn đang hoang mang chờ thông báo.

Du học sinh Anh lo lắng bị kỳ thị

Không chỉ ở Mỹ mà ngay tại Vương quốc Anh, một trong các trung tâm du học của thế giới, dịch COVID hoành hành đã tác động tiêu cực đến sinh viên quốc tế, trong đó có khoảng 12.000 du học sinh Việt Nam.

Tính đến ngày 21/7, số ca nhiễm bệnh được xác định ở Anh là 295.372 ca, với 45.318 ca tử vong.

Số ca mắc, số ca tử vong cao cùng với xuất thân Trung Quốc của loại vi rút này đã đẩy nhiều cư dân Châu Á đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh vào tình cảnh bị đối xử bất công và phải hứng chịu thái độ miệt thị xuất phát từ nạn phân biệt chủng tộc của người bản địa. Tình trạng này vốn đã tồn tại từ lâu, việc người châu Á bị coi thường cũng không còn quá xa lạ nhưng điều duy nhất nạn nhân có thể làm chỉ là im lặng chịu đựng.

Trước tình hình dịch bệnh tiến triển xấu cũng như nạn phân biệt chủng tộc, nhiều du học sinh có nguyện vọng về nước “lánh nạn”.

Tuy nhiên, với nhiều du học sinh đang theo học bậc thạc sĩ, hồi hương lúc này vừa là niềm mong mỏi lại vừa là một sự đánh đổi lớn về cả tiền bạc lẫn tương lai. Bởi, tại Anh, khóa học thạc sĩ thường chỉ kéo dài một năm và không cho phép bảo lưu. Bỏ về giữa chừng đồng nghĩa với nghỉ học, làm xấu hồ sơ và khó khăn khi xin cấp lại thị thực.

Sinh viên Việt Nam mắc kẹt tại Nhật 

Trong những năm gần đây, số lượng du học sinh tại Nhật Bản tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2019 đã có 411.000 sinh viên quốc tế đến Nhật, trong đó có khoảng 220.000 sinh viên Việt Nam, chiếm gần một nửa sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, đại dịch COVID bùng nổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các du học sinh tại Nhật Bản.

Đối với nhiều sinh viên nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản, COVID-19 đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của họ, một số mất nguồn thu đến từ các công việc bán thời gian do các cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, số khác không thể trở về quê hương do các chuyến bay bị trì hoãn dù họ đã tốt nghiệp từ tháng 3.

Nguyễn Văn Bảo, 21 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng kỹ thuật tại Tokyo đang sinh sống tại một căn hộ ở phường Taito với 4 đồng hương Việt Nam khác. Bảo cho biết anh đã làm việc bán thời gian tại quán rượu và các trường dạy tiếng Nhật để kiếm tiền chi trả học phí và các khoản sinh hoạt phí. Tuy nhiên, sau tuyên bố của chính phủ về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, cửa hàng nơi anh làm đã phải đóng cửa để hạn chế dịch bệnh lây lan. Thu nhập hàng tháng của Bảo là 100.000 yên ( khoảng hơn 20 triệu vnd) nay giảm xuống còn ⅓.

Thời gian ở nhà nhiều hơn nên tiền điện nước cũng tăng theo. “Để tiết kiệm tiền, tôi ngủ nhiều nhất có thể và chỉ ăn ngày 2 bữa”, anh chia sẻ. Tuy vậy nhưng nhiều khả năng Bảo không thể trả tiền thuê nhà vào tháng tới.

Bảo không phải là trường hợp sinh viên Việt Nam duy nhất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tác động của dịch COVID.

Bùi Hồ Phương Anh, 26 tuổi, đã tốt nghiệp một trường cao đẳng kỹ thuật tại thủ đô vào tháng 3 và có ý định trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng thật không may khi tất cả các chuyến bay trở về Việt Nam đã bị hủy. Hợp đồng nhà hết hạn cùng thời gian tốt nghiệp, visa sinh viên cho phép cô làm thêm bán thời gian cũng không còn hiệu lực. Cùng một lúc, Phương Anh mất cả nơi ở và việc làm.

Nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang phải đối phó với các khó khăn gây ra bởi dịch COVID-19, thậm chí có bạn vẫn mắc kẹt ở nước ngoài mà không thể về nước.

Mặc dù chính phủ các nước cũng như chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức trong công cuộc tìm ra các biện pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn và phòng chống dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ sinh viên quốc tế nhưng sinh viên Việt Nam tại nước ngoài lúc này vẫn phải xác định “tự lực cánh sinh”, dựa vào sức mình là chính.

Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, hiện đang có khoảng 190.000 học sinh sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.