Nữ giới và logistics
17 Tháng sáu, 2021 2021-06-17 2:36Nữ giới và logistics
Logistics là ngành gắn liền với vận tải, giao nhận nên thường khi nghĩ đến logistics, nhiều người hay liên tưởng đến hình ảnh của những nhân viên nam hay các lãnh đạo nam. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) có một điểm đặc biệt ở mảng logistics Việt Nam mà ngay cả các CEO trong ngành cũng ít người biết: Đa phần người làm chủ là phụ nữ, các tập đoàn logistics của Việt Nam thường do nữ giới đứng đầu.
Bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi người làm việc phải có sự cố gắng, học hỏi và chuyên môn tốt, kiên nhẫn và trách nhiệm cao với nghề. Đối với ngành Logistics, cả nam và nữ học đều có thể theo học, quan trọng là bạn yêu thích lĩnh vực này và cảm thấy phù hợp với bản thân.
Theo học ngành này, ngoài những môn học chuyên ngành về Logistics, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức liên quan khác, từ quản trị hệ thống phân phối, vận tải đa phương thức, cho đến tài chính – kế toán, marketing quốc tế, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự… những môn học này đâu có phân biệt nam nữ.
Bên cạnh đó, Logistics là một ngành đa dạng với rất nhiều phân ngành nhỏ, tùy vào năng lực và định hướng nghề nghiệp của mỗi người. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể tìm việc tại các công ty về dịch vụ Logistics, xuất nhập khẩu, vận tải, giao nhận hàng hóa, kho vận, kế toán, khai thác, kinh doanh…Với các vị trí công việc như: nhân viên thu mua, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên quản lý hàng hóa, nhân viên kinh doanh Logistics, nhân viên điều hành vận tải… Theo đó, ngành Logistics không kén chọn ứng viên và có nhiều vị trí phù hợp với cả nam và nữ.
Trên thực tế, xu hướng lãnh đạo nữ trong ngành logistics vượt trội hơn so với lãnh đạo nam có thể xem là một phần của xu hướng chung hiện nay, khi Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tỷ lệ phụ nữ làm doanh nghiệp.
Theo một báo cáo do Grant Thornton quốc tế năm 2019, với 36%, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á, trong đó bốn vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự và giám đốc marketing (25%). Tỷ lệ này còn cao hơn một số quốc gia phát triển như Singapore (33,04%), Hàn Quốc (29,89%), Ấn Độ (28,16%), Nhật Bản (15,43%), …
Tuy nhiên phụ nữ Việt Nam cũng đối diện với một số trở ngại cao hơn mặt bằng chung của thế giới như thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, thiếu cơ hội xây dựng các mối quan hệ hay phải chịu trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc nhiều hơn, …
Các bạn nữ nếu yêu thích ngành Logistics thì không phải đắn đo về vấn đề con gái có nên học Logistics không hay làm việc trong ngành này có khó không. Dù làm ở ngành nghề nào thì bạn cũng cần có kiến thức, chuyên môn và sự kiên nhẫn, tận tâm với nghề. Bởi không ngành nghề nào là nhàn hạ, tất cả đều có những lúc thành công thất bại.
Tham khảo: 2021: Không còn đắn đo về việc con gái có nên học Logistics?!